Sàn phẳng là được biết đến rộng rãi trong xây dựng hiện đại, diện mạo mà nó hay xuất hiện bao gồm sàn phẳng ứng lực trước (ULT) và các loại sàn lõi rỗng (Uboot, Nevo, Vro hay Cobiax). Chúng ta cùng tìm hiểu ưu nhược điểm và ứng dụng của nó trong từng trường hợp.
Về mặt bản chất cả hai loại sàn này đều sử dụng bê tông và cốt thép nên nó sẽ mang đầy đủ các tính chất của kết cấu bê tông cốt thép nói chung bao gồm: nứt cho đến co ngót và từ biến … Tuy bề ngoài đều phẳng đẹp như nhau nhưng sự khác nhau của chúng dễ dàng nhìn thấy qua hàm mục tiêu: với sàn phẳng ULT người ta dùng những lực chủ động tác động vào bê tông thông qua cốt thép cường độ cao để giảm võng và nứt, còn sàn phẳng lõi rỗng mục tiêu của nó là giảm trọng lượng bản thân trong khi tăng độ cứng chống uốn nhằm đáp ứng độ võng và nứt giới hạn.
Áp dụng hai loại sàn phẳng này dễ dàng: (1) tăng chiều cao thông thủy cho công trình; (2) tăng khả năng cách âm và cách nhiệt vì chiều dày sàn lớn hơn chiều dày sàn truyền thống; (3) giảm chi phí xây dựng phần thô từ 10-20% vì giảm lượng coppha và cốt thép; (4) độ cứng tổng thể công trình cũng như độ cứng ngang tăng cũng giúp giải pháp này chiếm ưu thế hơn các giải pháp truyền thống trong việc chịu gió, động đất; (5) tiến độ thi công nhanh; (6) trần đẹp và dễ đi hệ ống kỹ thuật.
Với nhiều ưu điểm vượt trội nhưng sàn phẳng vẫn là một cái gì đó mới lạ trong thị trường vốn quen với các giải pháp truyền thống. Bên cạnh đó các yếu tố kỹ thuật về thiết kế cũng như thi công mà cần có những nhà thầu, những đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện.